Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thu thập ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT liên quan đến quy định mở và đình chỉ ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Dự thảo quy định các trường hợp cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ hoạt động tuyển sinh hoặc đào tạo, bao gồm:
- Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động tuyển sinh đối với ngành đào tạo đã được mở trong các trường hợp: a) Chưa đủ điều kiện để tự chủ mở ngành đào tạo theo quy định. b) Vi phạm quy định pháp luật về giáo dục và bị xử phạt.
- Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đã được mở trong các trường hợp:
- Gian lận để được mở ngành đào tạo.
- Tự chủ mở ngành khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
- Tổ chức tuyển sinh và đào tạo nhưng không đảm bảo điều kiện tương ứng với từng trình độ đào tạo.
- Hết thời hạn đình chỉ hoạt động tuyển sinh mà không khắc phục được nguyên nhân.
- Vi phạm nghiêm trọng quy định về tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo hoặc vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt.
Thời gian đình chỉ hoạt động tuyển sinh và đào tạo là từ 6 đến 12 tháng. Quyết định đình chỉ phải ghi rõ lý do, phạm vi, thời hạn đình chỉ và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ sở đào tạo bị đình chỉ phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của cơ sở đào tạo. Nếu sau thời hạn đình chỉ tuyển sinh, nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ đã được khắc phục, cơ sở đào tạo có thể được phép tuyển sinh trở lại. Tuy nhiên, nếu cơ sở đào tạo không tổ chức tuyển sinh trong 3 hoặc 5 năm liên tiếp tùy theo trình độ đào tạo, quyết định mở ngành sẽ hết hiệu lực. Để tiếp tục tuyển sinh và đào tạo ngành này, cơ sở đào tạo phải tuân thủ trình tự, thủ tục mở ngành theo quy định.